Điện thoại: 0246 2670491
slide3.jpgslide5.jpgslide4.jpgslide1.jpgslide6.jpgslide2.jpg

Quyết toán thuế TNCN năm 2013: Một số điểm mới

Ngày 31/03/2014 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN của các tổ chức, cá nhân trả thu nhập và cá nhân thuộc diện khai quyết toán thuế. Năm 2013 đã có nhiều quy định mới về chính sách thuế TNCN, Cổng TTĐT Bộ Tài chính xin giới thiệu một số nội dung đáng chú ý mà bạn đọc quan tâm.

   Các trường hợp khai quyết toán thuế TNCN

  Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thay cho cá nhân có ủy quyền. Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập trong năm 2013 thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.

Tổ chức trả thu nhập chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì phải quyết toán thuế đối với số thuế TNCN đã khấu trừ chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày có quyết định về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, hoặc phá sản và cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động để làm cơ sở cho người lao động thực hiện quyết toán thuế TNCN.

Trường hợp sau khi tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi), người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thay cho người lao động

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ hoạt động đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp, đại lý xổ số thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại điểm c; điểm e, khoản 2, Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.

Riêng trường hợp cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc làm việc tại Việt Nam, đã thực hiện quyết toán thuế trước ngày 31-12, sau đó cá nhân quay lại Việt Nam và làm việc đến hết năm đó thì cuối năm cá nhân thực hiện quyết toán thuế với thu nhập chịu thuế từ ngày 1-1 đến ngày 31-12 và được trừ số thuế TNCN đã nộp tại nước ngoài nhưng không vượt quá số thuế phải nộp tính theo Biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài.

Cá nhân cư trú có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, cuối năm nếu có yêu cầu áp dụng thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Trường hợp cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đã nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần mà không có yêu cầu xác định lại số thuế TNCN theo thuế suất 20% thì không phải quyết toán thuế.

Điều kiện “có nhà thuê để ở tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên” để xác định cá nhân cư trú có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-7-2013. Trước ngày 1-7-2013, điều kiện “có nhà thuê để ở tại Việt Nam” để xác định cá nhân cư trú là 90 ngày. Việc xác định số ngày có nhà thuê để ở căn cứ trên các hợp đồng thuê, kể cả hợp đồng thuê ký trước ngày 1-7-2013. Trường hợp cá nhân thuộc diện quyết toán thuế thì khi quyết toán thuế điều kiện “có nhà thuê để ở tại Việt Nam” để xác định cá nhân cư trú của năm 2013 là 183 ngày.

Mức giảm trừ gia cảnh

Đối với việc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân

Trường hợp trong kỳ tính thuế cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

Ví dụ: Giả sử từ tháng 1-2013 đến tháng 6-2013, ông G không có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Từ tháng 7-2013 đến tháng 12-2013, ông G có thu nhập từ tiền lương, tiền công do ký hợp đồng lao động không kỳ hạn để làm việc tại Công ty Y thì trong năm 2013 ông G được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 7-2013 đến hết tháng 12-2013 (tương ứng với tháng có phát sinh thu nhập). Nếu ông G thực hiện quyết toán (ủy quyền quyết toán hoặc trực tiếp quyết toán với cơ quan Thuế) thì ông G được tính giảm trừ cho bản thân đủ 12 tháng.

Đối với việc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

Việc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng được tính kể từ tháng có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Cụ thể một số trường hợp như: Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng tại Mẫu số 16/ĐK-TNCN khai “thời điểm tính giảm trừ” đúng với thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng thì khi quyết toán thuế TNCN được tính lại theo thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng mà không phải đăng ký lại;

Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ người phụ thuộc sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng và tại Mẫu số 16/ĐK-TNCN khai “thời điểm tính giảm trừ” sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng, nếu cá nhân thuộc diện phải quyết toán thuế thì khi quyết toán thuế để được tính lại theo thực tế phát sinh, cá nhân đăng ký lại tại Mẫu số 16/ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6-11-2013 của Bộ Tài chính và gửi kèm theo hồ sơ quyết toán thuế;

Trường hợp người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người phụ thuộc khác như: anh, chị, em ruột; ông, bà nội ngoại; cô, dì… thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31-12-2013, nếu đăng ký giảm trừ gia cảnh quá thời hạn nêu trên người nộp thuế không được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc đó cho năm 2013.

Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế bình quân tháng của năm 2013 được xác định bằng tổng thu nhập cả năm 2013 (12 tháng) trừ (-) tổng các khoản giảm trừ của cả năm sau đó chia cho 12 tháng, cụ thể như sau:

Thu nhập tính thuế bình quân tháng = (Tổng thu nhập chịu thuế - Tổng các khoản giảm trừ) ÷ 12 tháng

Ví dụ: Năm 2013, Ông E là cá nhân cư trú có thu nhập trong 6 tháng đầu năm là 20 triệu đồng/tháng, có tính giảm trừ cho bản thân và 1 người phụ thuộc; trong 6 tháng cuối năm Ông E có thu nhập là 10 triệu đồng/tháng, có tính giảm trừ cho bản thân và 1 người phụ thuộc. Ngoài các khoản giảm trừ gia cảnh Ông E không có khoản giảm trừ nào khác. Như vậy, nếu cuối năm Ông E thuộc diện quyết toán thuế thì thu nhập tính thuế bình quân tháng trong năm 2013 được xác định như sau:

- Tổng thu nhập chịu thuế là: (20 triệu đồng x 6 tháng) + (10 triệu đồng x 6 tháng) = 180 triệu đồng.

- Tổng các khoản giảm trừ: (4 triệu đồng + 1,6 triệu đồng) x 6 tháng + (9 triệu đồng + 3,6 triệu đồng) x 6 tháng = 109,2 triệu đồng.

- Thu nhập tính thuế năm 2013: 180 triệu đồng - 109,2 triệu đồng = 70,8 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế bình quân tháng năm 2013:

70,8 triệu đồng : 12 tháng = 5,9 triệu đồng.

Đăng ký nhận bản tin

©2011 Bản quyền thuộc về Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam.
Địa chỉ: Tầng 11 Tòa nhà Sông Đà, Số 165 Cầu Giấy, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 024 6 2670491/92/93 - Fax: 024 6 2670494 - Email: vae@vae.com.vn
Chi nhánh: Số 17/3, Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Tel: 028.6294.1117 - 6252 1818 - Fax: 028 6294 1119